Cây kim ngân để bàn có ý nghĩa gì? Tác dụng và cách chăm sóc kim ngân ra hoa
Cây kim ngân là cây để bàn đẹp được trồng ngày càng phổ biến ở nước ta. Vậy cây kim ngân là cây gì mà nhiều người ưa thích đến vậy? Bài viết dưới đây sẽ cho bạn biết cây kim ngân để bàn có ý nghĩa gì cũng như tác dụng và cách chăm sóc kim ngân ra hoa.
Giới thiệu chung về cây kim ngân
Cây kim ngân còn có tên gọi khác là cây thắt bím hay cây bím tóc với tên khoa học là pachira aquatica. Kim ngân là cây có hoa thuộc họ cẩm quỳ được mô tả khoa học lần đầu năm 1775. Đây là loại thực vật có nguồn gốc từ các nước châu Mỹ như Mexico, Brazil, Nam Mỹ và đầm lầy Trung Mỹ.
Trong tự nhiên, kim ngân sinh trưởng khá nhiều ở các khu vực đầm lầy châu Mỹ. Cây trưởng thành có thể cao tới 6m và xanh tốt quanh năm. Thân cây mọc thẳng, bền chắc và khá dẻo dai. Vì vậy khi cây còn non, người ta trồng vài cây sát nhau và đan chúng lại nhìn như hình bím tóc. Cũng vì thế mà nó còn được gọi là cây bím tóc.
Cây cảnh kim ngân được trồng trong nhà trên chậu đất nhỏ hoặc thủy sinh trong bình thủy tinh. Vì được trồng trong không gian nhỏ nên kim ngân cảnh thường chỉ cao dưới 2m. Cây kim ngân xoắn lại với nhau từ 3-5 cây có tính thẩm mỹ cao.
Lá cây mọc tập chung ở đỉnh và tỏa hướng xung quanh. Hình dạng lá giống như hình mác, dày và xanh mọc thành cụm. Mỗi cụm lá gồm 5-6 lá cùng gốc mọc xòe như bàn tay với một mặt ngửa lên trên. Khi còn nhỏ lá có màu xanh non và dần chuyển đậm lúc trưởng thành.
Vì thường cây chỉ có lá xanh tốt nên nhiều người thắc mắc cây kim ngân có hoa không? Kim ngân là cây có hoa, thường mọc khoảng tháng 4 tới tháng 11 hàng năm. Hoa cây kim ngân hay nở vào ban đêm và tỏa mùi hương khá dễ chịu với con người. Cây có cánh hoa khá lớn màu kem nhạt với nhụy hoa đỏ ở giữa. Mỗi đài hoa có 5 cánh dài tới 15cm hướng ra xung quanh. Cây kim ngân hoa rất bắt mắt nhưng nếu không được chăm sóc đầy đủ, cây sẽ ít ra hoa.
Quả kim ngân có dạng tròn, màu đỏ và mọng nước. Đường kính những quả to nhất có thể lên tới 10cm. Khi chín, vỏ quả chuyển thành màu nâu nhạt và nứt dần. Trong mỗi quả có khoảng 10-20 hạt con. Tuy nhiên cây cần sống trong môi trường phù hợp và phát triển tốt thì mới ra quả được.
Ý nghĩa cây kim ngân
Ý nghĩa của cây kim ngân phần nào đã được mô tả qua cái tên của nó. Hai từ Hán Việt “kim” và “ngân” có nghĩa là vàng và bạc. Đây đều là hai đồ vật có giá trị rất cao và được dùng làm tiền tệ thời xưa.
Thậm chí có những nơi người ta còn gọi nó với cái tên cây kim ngân lượng. Vì vậy cây kim ngân tiền tài mang lại tiền bạc và tài lộc cho người trồng. Nếu biết sắp xếp phù hợp phong thủy, đây sẽ là loại cây thu hút tiền tài và làm gia tăng nguồn thu nhập một cách hiệu quả.
Thân cây bền bỉ, dẻo dai và bện với nhau như hình bím tóc mà vẫn khỏe mạnh xanh tốt. Nếu không nhìn kỹ nhiều khi người ta tưởng đó chỉ là một cây thân to. Vì vậy cây kim ngân phong thủy còn tượng trưng cho sự đoàn kết, gắn bó một lòng của con người. Nó như một bài học về sự thống nhất và dựa vào nhau cùng phát triển cho những người trong gia đình và tập thể.
Cây kim ngân có sức sống mạnh mẽ với thân cành chắc chắn, dẻo dai và lá cây xanh tốt quanh năm. Nó như một nguồn sinh lực sống dồi dào sẵn sàng tiếp thêm năng lượng cho con người mỗi khi mệt mỏi. Trồng cây trong nhà sẽ làm tăng cường sự kết nối với thiên nhiên và sức sống cho căn phòng.
Cây kim ngân phát tài trong nhà thường được tết các cây nhỏ lại thành một thân to. Vì thế mà tùy theo số cây con mà nó cũng mang những ý nghĩa khác nhau trong phong thủy.
Trồng 1 cây: Cây kim ngân trồng đơn chỉ có một cây duy nhất to, mập với thân cây thẳng đứng. Nó có ý nghĩa như một cây trụ chống đỡ căn nhà giúp phong thủy vững chãi và bền bỉ hơn.
Trồng 3 cây: Thông thường kim ngân được trồng 3 cây nhiều nhất. 3 cây tượng trưng cho thiên - địa - nhân và cũng đại biểu cho phúc - lộc - thọ. Đây là thế cây tốt đẹp giúp phong thủy ngôi nhà hài hòa và đón nhiều phúc lộc.
Trồng 5 cây: 5 cây con tết lại với nhau sẽ tạo nên thân cây khá to. Nó mang ý nghĩa về ngũ phúc của con người là an, khang, phúc, lộc, thọ.
Cây kim ngân hợp tuổi nào?
Với những ý nghĩa tốt đẹp trên thì có lẽ bạn đã muốn biết cây kim ngân hợp với tuổi nào để mua trồng phải không? Thực ra cả 12 con giáp đều có thể trồng cây này. Trong đó người tuổi tý, thân và tuất là đạt lợi ích lớn nhất khi trồng kim ngân trong nhà.
Và bạn cũng muốn tìm hiểu cây kim ngân hợp mệnh gì? Kim ngân là thực vật nên hiển nhiên nó rất thích hợp với những người mệnh mộc. Cây có thân cành dẻo dai và lá xum xuê tươi tốt giúp người mệnh mộc gia tăng sinh lực và gặt hái nhiều tài lộc.
Cái tên của cây đều thuộc hành kim đã cho thấy đây là một loại cây cực kỳ phù hợp với người mệnh kim. Những người này trồng kim ngân sẽ gặt hái được nhiều tiền tài và thành công trong cuộc sống. Đồng thời số mệnh của họ cũng được tăng cường hơn khá nhiều.
Bên cạnh đó kim sinh thủy nên người mệnh thủy cũng phù hợp để trồng cây này. Tốt hơn những người mệnh thủy trồng cây kim ngân thủy sinh để tối đa hóa lợi ích thu được.
Tác dụng của cây kim ngân
Cây kim ngân có tác dụng gì hẳn là câu hỏi của không ít người. Cây kim ngân đẹp, có kích thước vừa phải nên được sử dụng rất nhiều làm cảnh trong nhà.
Dáng cây đẹp, dẻo dai và có sức sống dồi dào nên có thể uốn nắn thành các thế tùy theo ý thích. Lá cây bóng mượt, xum xuê và xanh tốt quanh năm mang lại nét tự nhiên và dịu mát cho căn phòng. Mỗi khi mỏi mệt và khó chịu, chỉ cần nhìn ngắm cây một lát thì bạn đã có thể thư giãn và giảm stress đáng kể.
Đồng thời, kim ngân còn là cây lọc không khí khá hiệu quả. Không kém cạnh các giống cây khác, nó có thể hấp thụ các chất độc trong căn phòng, giảm nồng độ CO2 và sản sinh khí O2 trong không khí. Vì thế không ít người trồng cây trong phòng ngủ, cây kim ngân để bàn làm việc, phòng khách... để đem lại không gian sinh hoạt sạch sẽ và thoáng mát.
Cây kim ngân có sự phối hợp khá hoàn hảo giữa cương và nhu. Thân cây chắc khỏe đem lại cho người nhìn một cảm giác mạnh mẽ lại được uốn thành hình bím tóc khá mượt mà. Dáng cây đẹp, tạo cảm giác hài hòa nên rất phù hợp để trong phòng tiếp khách.
Ngoài ra tác dụng cây kim ngân còn được thể hiện trong y học. Trong đông y đây là loại cây thuốc điều trị một số bệnh. Mùi hương từ nhựa cây cũng đuổi muỗi và côn trùng khá hiệu quả.
Cây kim ngân có độc không?
Hiện nay chưa có bằng chứng cụ thể và chính xác về việc cây kim ngân có độc không. Việc tiếp xúc trực tiếp với cây không ảnh hưởng đến sức khỏe của con người nên kim ngân vẫn là loại cây an toàn. Tuy nhiên đây không phải là cây ăn được nên vẫn phải chú ý đặt cây xa tầm tay trẻ em và vật nuôi trong nhà.
Quả kim ngân có màu rất đẹp và căng mọng hấp dẫn nhưng lại không ăn được. Trong quả có chứa các chất axit béo cyclopropenoid và chất CPFA gây hại đến cơ thể động vật. Đây là những chất hủy hoại hệ thống nội tạng được xét nghiệm trên cơ thể chuột. Dù vậy cây ít khi ra quả nếu không có những điều kiện chăm sóc cẩn thận nên kim ngân nhìn chung vẫn an toàn.
Cách chăm sóc cây kim ngân ra hoa
Cây kim ngân có sức sống mạnh và thích nghi tốt với các điều kiện sống khác nhau. Tuy nhiên chỉ khi cây được chăm sóc đúng cách thì mới có thể ra hoa được. Dưới đây là một số lưu ý về cách chăm cây kim ngân chúng tôi gửi đến bạn.
Chậu trồng cây
Cách trồng cây kim ngân thông thường là trồng trong chậu đất và trồng trong chậu thủy sinh. Đối với cây trồng chậu đất, nên chọn loại đất thịt có trộn lẫn xơ dừa, mùn cưa, vỏ trấu,... để đảm bảo dinh dưỡng và độ tơi xốp. Bón phân ủ mục và phân NPK với tỷ lệ hợp lý để cây có đủ lượng dưỡng chất cần thiết. Tiến hành bón phân định kỳ mỗi năm một lần tránh đất bạc màu.
Phần đáy chậu có thể dải một lớp sỉ mỏng để tăng khả năng thoát nước cho đất trồng. Phần giữa đáy được đục một lỗ tròn để tránh ứ đọng nước khi tưới quá nhiều.
Đối với cây kim ngân thủy sinh, chỉ cần chuẩn bị một chậu thủy tinh sạch có chứa dung dịch dinh dưỡng là được. Trước khi đặt cây vào trong bình nhớ rửa sạch đất bám trên rễ để tránh thối rễ cây.
Nên đặt mức nước khoảng ⅔ thể tích của bình. Nhúng cây sao cho vừa ngập nước phần rễ để thân cây không bị thối. Mỗi tuần nên bổ sung dung dịch dinh dưỡng cho cây một lần.
Tưới nước
Cây kim ngân không có nhu cầu nước quá cao nên cần chú ý không tưới nhiều tránh cây bị úng. Vào mùa khô nhiệt độ cao thì cần tưới cho cây 2 lần mỗi tuần. Những ngày ẩm ướt mưa nhiều bạn chỉ cần tưới 1 lần mỗi tuần là đủ.
Cây kim ngân trồng thủy sinh không cần phải tưới mà chỉ cần thay nước. Mỗi tháng hãy thay nước một lần cho cây. Đặc biệt khi quan sát thấy nước trồng bị chuyển màu thì phải thay nước ngay.
Ánh sáng
Cây kim ngân không cần quá nhiều ánh sáng. Khi tiếp xúc quá lâu với ánh sáng trực tiếp, khả năng cây kim ngân bị héo lá là rất cao. Tuy nhiên nếu đặt trong tối lâu cũng ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cây.
Nên đặt cây tại những vị trí có ánh sáng hắt như gần cửa sổ hoặc ban công. Kim ngân có thể quang hợp với ánh sáng nhân tạo trong phòng nhưng để cây xanh tốt bạn vẫn nên mang cây ra ngoài nắng ít nhất 1 lần mỗi tuần.
Sâu bệnh
Cây kim ngân bị vàng lá, cháy lá, thối gốc nếu không được chăm sóc đúng cách. Khi phát hiện cây bị bệnh, người chăm sóc cần tiến hành cắt bỏ những bộ phận mắc bệnh và thối hỏng. Bởi những phần này có thê lây bệnh và làm thối các cành lá gần chúng.
Đây là giống cây trồng trong nhà nên ít khi bị sâu, rệp tấn công. Vì thế nếu không thật sự cần thiết thì hãy hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu.
Những mẫu cây kim ngân đẹp để bàn
Trên đây là những thông tin về cây kim ngân mà chúng tôi muốn gửi đến bạn. Hy vọng những thắc mắc và tò mò của bạn đã được giải đáp qua bài viết trên.